Tình dục và thân mật, hai từ này tuy thường được dùng để thay thế cho nhau nhưng với một số người, chúng là hai khái niệm riêng biệt.
Giống như ăn cơm tấm phải có nước mắm, ăn bún đậu phải chấm với mắm tôm, một số người không sao tưởng tượng nổi việc có sự thân mật mà lại thiếu tình dục và ngược lại. Trong nền văn hóa của thế kỷ 21, một mối quan hệ thân mật kèm theo đời sống tình dục thỏa mãn là điều lý tưởng mà nhiều người hướng đến. Tuy nhiên, hơn 10% các cặp trong mối quan hệ cam kết (dù đã kết hôn hay chưa) rất hiếm quan hệ tình dục, và họ vẫn thấy hạnh phúc.
Tình dục là thứ mà người ta có với chính mình (thủ dâm) hoặc với người khác. Khi ở với bạn tình, nó bao gồm cả quan hệ thâm nhập hoặc không. Suy cho cùng, tình dục là một dạng khoái cảm của cơ thể thường đi kèm với mục đích đạt cực khoái.
Còn thân mật là thứ khó đạt được hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần là cọ xát các bộ phận trên cơ thể với nhau. Theo cuốn “Tình – Mọi điều bạn cần biết về Sex”, nếu bạn đọc từ “Intimacy” theo ngữ âm tiếng Anh, bạn sẽ thấy nó chia thành “In-To-Me-See” (Nhìn-Vào-Trong-Tôi). Như vậy, sự thân mật đòi hỏi bạn phải gỡ bỏ các tầng bảo vệ cả bên trong lẫn bên ngoài, bộc lộ cái phần nhạy cảm dễ bị tổn thương nhất của nội tâm, kết nối về mặt tinh thần, cảm xúc và tình dục với đối phương.
Khi tình dục và sự thân mật kết hợp với nhau, mối quan hệ sẽ trở nên thỏa mãn và gắn kết sâu sắc. Đó là những gì mà người ta gọi là “True Love”.

Tuy nhiên, cũng giống như bánh mì Huỳnh Hoa dù full topping thế nào cũng chẳng hấp dẫn những người ăn chay, vẫn có một số người (bao gồm đàn ông lẫn phụ nữ) chẳng mặn mà mấy với kiểu quan hệ “True Love” kể trên. Họ không muốn có sự kết hợp giữa tình dục và thân mật. Với họ, đạt được một vế đã là thành tựu.
Về tình dục, người thì thích sự kích thích và đa dạng của những mối tình qua đường. Người lại ưa sự tin cậy đầy “thân thiện” của mối quan hệ Friend With Benefits mà không cần ràng buộc. Người đắm chìm trong mối tình lãng mạn vô cùng mãnh liệt nhưng chỉ muốn nó trôi qua ngắn ngủi chứ không cần lâu dài. Với những người này, họ không cần sự thân mật trong mối quan hệ.
Mặt khác, nhiều cặp vợ chồng chung sống với nhau nhiều năm mà chỉ có sự thân mật và thiếu vắng tình dục (hoặc rất hiếm khi). Có nhiều lời giải thích cho việc họ vẫn ở trong mối quan hệ không tồn tại tình dục dù có đang hạnh phúc hay không. Họ cảm thấy ổn và muốn giữ lời thề thốt trong ngày cưới. Hoặc họ thấy tội lỗi và sai trái khi có tình nhân. Cũng có thể họ thấy quá rắc rối nếu phải tìm kiếm và che giấu mối quan hệ ngoài luồng. Một số người không muốn kết thúc mối quan hệ hiện tại là vì mọi thứ đã thành thói quen và họ sợ hãi sự thay đổi. Do đó, họ chấp nhận sự thân mật mà không cần tình dục.
Ngoài ra, suy nghĩ của một người có thể đổi hướng theo thời gian. Bạn từng đinh ninh nếu lên giường với nhau mà không có sự gắn kết về tình cảm thì sẽ không thỏa mãn. Hoặc nếu không có đời sống tình dục mỹ mãn trong mối quan hệ cam kết, bạn sẽ rời đi. Nhưng đến một thời điểm nào đó trong đời, bạn đột nhiên thay đổi suy nghĩ: đang hạnh phúc trong mối quan hệ không tình dục thì bỗng thấy bế tắc; đang rong ruổi trong những mối quan hệ qua đường thì lại khao khát sự thân mật.
Chung quy, mỗi người là một cá thể riêng biệt với những nét tính cách, đặc điểm, giá trị và nhân sinh quan khác nhau. Bạn có thể gộp thân mật và tình dục làm một, mong muốn mối quan hệ của mình phải đủ cả hai. Còn người khác chỉ muốn một trong hai nhưng điều đó không có nghĩa người đó sai. Tình dục là một hoạt động đa dạng, không có đúng, sai, tốt, xấu mà chỉ là phù hợp hay không phù hợp, đồng thuận hay không đồng thuận, an toàn hay không an toàn và có vi phạm pháp luật hay không. Vì vậy, tình dục cần sự cởi mở và không phán xét, cả với người khác lẫn chính mình.
Nguồn thông tin từ: Sex Without Intimacy/Intimacy Without Sex | Psychology Today