Cái tên quyển sách đã thôi thúc mình phải cầm lên đọc. Chưa biết nội dung bên trong thế nào nhưng dòng chữ “tiếng thở dài qua rừng kim tước” rót vào tai mình cảm giác huyền bí, ảo diệu về một không gian xa lạ. Mình những tưởng sẽ được đọc các câu chuyện tình lãng mạn, dù kết thúc buồn cũng là một nỗi buồn lãng mạn vờn nhẹ lòng người. Nhưng không. Chẳng hề có yếu tố lãng mạn nào cả. Mình hay tưởng tượng nội dung hoặc tinh thần những cuốn thuộc thể loại văn học thông qua cái tựa. Và hơi buồn là lần nào cũng đoán sai.
Tác giả quyển sách là Hồ Anh Thái, một cây bút mình rất ngưỡng mộ trên văn đàn Việt Nam, bên cạnh cô Nguyễn Ngọc Tư, bác Nguyễn Nhật Ánh hay cụ Trần Dần. Kể sơ sơ về thành tựu của bác thì bác bước vào làng văn hồi mười bảy tuổi với truyện ngắn Bụi phấn, đoạt giải văn xuôi của báo Văn Nghệ lúc hai mươi tư tuổi, gây tiếng vang với tiểu thuyết “Người và xe chạy dưới ánh trăng” khoảng hai năm sau đó. Bác làm công tác ngoại giao, đi sứ ở nhiều nước và luôn miệt mài viết. Rất nhiều tác phẩm của bác được dịch ra các thứ tiếng và ấn hành ở nhiều nước, nhận được nhiều lời tán dương của các nhà văn, nhà báo nước ngoài. Trong đó có quyển sách này.
“tiếng thở dài qua rừng kim tước” là tuyển tập truyện ngắn lấy bối cảnh ở đất nước láng giềng của chúng ta – Ấn Độ. Từng câu chuyện là một mảng màu khắc họa rõ nét bức chân dung về con người, xã hội nơi đây. Những mảng màu đong đầy nước mắt, bị vây lấy bởi các tập tục lạc hậu, định kiến gay gắt cùng sự đói nghèo đến cùng cực đã làm tan nát biết bao phận người.
“Đời con gái là thế đấy, hoặc là bị nhà chồng đốt thành thân tàn ma dại hoặc được khen ngợi vì biết kiếm tiền trong khu đèn đỏ nuôi gia đình”
Sự nghèo đói cùng hủ tục hồi môn nặng nề đã chôn vùi thanh xuân của bao cô gái trẻ. Đó là nàng Nilam xinh đẹp, vì liên tiếp đẻ con gái mà bị nhà chồng thiêu sống như là cách đòi lại tiền cưới, để rồi trở thành công cụ để chặt đứt sinh mệnh của các bé gái sơ sinh.
Đó là cô bé Kamla mười ba tuổi, bị bố mẹ bán cho lão già sáu mươi hai tuổi, vì đói nghèo. Khi có cơ hội thay đổi cuộc đời thì số phận nghiệt ngã buộc Kamla phải trở về với bố mẹ và chị em nơi khu ổ chuột. Đó là cô bé Sabana từ nhỏ sống trong thân phận nữ thần đồng trinh của một chế độ mê muội, cuồng tín. Để rồi khi không còn giá trị sử dụng thì cô bé bị vứt đi như món đồ hết hạn. Nhưng cái thân phận nữ thần ấy nào có để cô bé sống yên khi người ta tin rằng ai làm chồng nữ thần thì sẽ chết non, chết bất đắc kỳ tử.
Bên cạnh đó, vài truyện ngắn còn thể hiện những suy ngẫm, triết lý của tác giả về cuộc đời.
“Ở độ cao vừa phải, ta nhìn xuống thấy tàu xe và cả con người nữa, tất cả đều bò. Bò như kiến ấy. Suốt đời chỉ bò ra bò vào. Quẩn quanh miệng chén. Lũ kiến ấy tha những hòm đồ về chất lên thành tổ. Và sống trong ảo giác về tự do và lý tưởng của riêng chúng”
Đọc đoạn trên, mình càng ngẫm càng thấy đúng. Sáng 8 giờ ra khỏi cửa, tối 5 giờ mở cửa về, có khi muộn hơn, rồi tắm rửa ăn cơm làm vài việc vặt, cuối cùng lên giường để rồi hôm sau lặp lại một chuỗi hoạt động tương tự. Bao con người hối hả chạy xe ngoài đường, mang theo bao hy vọng, ước muốn về một tương lai tốt đẹp hơn. Thế có khác nào những con kiến suốt đời cần mẫn tha mồi về tổ?
Có truyện ngắn mang màu sắc của Phật giáo, đề cập đến luật nhân quả một cách rõ nét. Và truyện cũng không mấy tươi sáng khi nói về thói ganh ghét, sự kỳ thị cùng định kiến đã biến một con người tốt bụng với tương lai tươi sáng trở thành một kẻ độc ác, nhuộm máu đầy tay để trả thù đời. Những dòng dưới đây như từng con dao găm vào lòng, vì nó đúng đến đau buồn:
“Chính con người mới không biết yêu thương đồng loại. Ông có biết cái gì sắc hơn lưỡi dao hủy diệt hay không? Đó là lòng ghen ghét, đố kỵ và sự độc ác của người đời. Còn cái gì mạnh hơn cả sức mạnh cơ bắp, hơn cả sức cuồng phong và bão lũ? Đó là sự thành kiến và sự kỳ thị đẩy con người ra xa con người”.
Và còn nhiều thông điệp gói trong các truyện ngắn khác mà trong khuôn khổ bài review này không thể nói hết. Mà nói ra thì mất hay. Chi bằng tự mình đọc, tự mình suy ngẫm thì sẽ ý nghĩa hơn.
Đọc xong thì thấy cái tên cuốn sách thật đúng làm sao. Mỗi truyện như một tiếng thở dài thườn thượt cho những kiếp người chơi vơi trong dòng chảy của số phận mà không cách nào vượt thoát được.