Sức khỏe tình dục

Hỏi đáp về virus HPV và Vaccine

Trong bài viết này, mình sẽ đưa ra các câu hỏi phổ biến nhất mà mọi người hay thắc mắc về virus HPV và Vaccine. Nhưng trước hết, mình muốn nói sơ qua về HPV và tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng ngừa ở cả nữ giới và nam giới.

HPV từ lâu đã được chứng minh là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Các bác sĩ đã biết từ những năm 1800 rằng ung thư cổ tử cung có liên quan đến hoạt động tình dục vì các nữ tu hiếm khi bị ảnh hưởng bởi loại bệnh này, nhưng gái mại dâm thì có. Đến những năm 1990, người ta đã xác định được các loại HPV cụ thể gây ra ung thư cổ tử cung.

Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm HPV cũng là nguyên nhân gây ra ung thư vòm họng ở nam giới và phụ nữ, đồng thời có thể gây ra cả ung thư hậu môn và ung thư dương vật, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ.

Một lý do khiến virus HPV rất phổ biến là nó có thể lây truyền qua nhiều hình thức hoạt động tình dục. Quan hệ bằng miệng, âm đạo và cả hậu môn đều có thể lây truyền virus. Bao cao su vẫn có thể bảo vệ bạn, nhưng do con quể này có thể lây qua các tiếp xúc da kề da (như hôn nút lưỡi kiểu Pháp hoặc để cậu bé âu yếm bên ngoài cô bé cũng đã có nguy cơ rồi), nên bạn ba con sói cũng phải vẫy cờ trắng chào thua.

Đó là lý do vaccine phòng ngừa HPV rất quan trọng.

Giới thiệu đến đây là kết thúc. Mời bạn tìm hiểu kỹ hơn về virus HPV và Vaccine qua các câu hỏi đáp dưới đây.

Chúng ta có thể bị nhiễm HPV ở độ tuổi nào?

Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm HPV ở mọi độ tuổi. Ví dụ, nếu một phụ nữ mang thai bị nhiễm HPV, đứa trẻ khi sinh ra có thể bị nhiễm trùng HPV.

Nếu ai đó bị nhiễm một loại HPV và hệ thống miễn dịch của người đó đã loại bỏ nó thì họ cũng có khả năng miễn dịch với các loại HPV khác không?

Bạn có khả năng miễn dịch đối với một loại HPV nhưng không có nghĩa là sẽ chống lại các loại khác. Vaccine hiện tại cũng chỉ bảo vệ bạn khỏi 9 loại HPV, nhưng đó là những loại có khả năng gây bệnh nhất.

Nếu một người được chẩn đoán là nhiễm HPV sinh dục thì có bị nhiễm HPV ở miệng không?

Virus HPV không di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể. Vì vậy, bạn bị nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục không có nghĩa là con virus cũng chạy lên miệng chơi.

Nhiễm HPV có thể kéo dài bao lâu?

Việc nhiễm HPV có thể kéo dài đến 24 tháng trước khi hệ thống miễn dịch loại bỏ chúng. Nhưng trong thời gian này, hầu hết mọi người không hề biết mình bị nhiễm do không có triệu chứng rõ ràng. Và họ có thể vô tình lây truyền cho người khác qua các hoạt động tình dục. Đó là lý do chúng ta khó ngăn chặn sự lây lan của virus này.

Ngoài ra, trong hầu hết các trường hợp, hệ thống miễn dịch có thể nhận ra tế bào nhiễm bệnh và loại bỏ chúng. Nhưng vẫn có một số trường hợp, sự nhiễm trùng kéo dài khiến các tế bào đột biến, dẫn đến ung thư.

Làm thế nào để giảm nguy cơ bị nhiễm HPV?

HPV lây lan qua tiếp xúc da kề da và thường xuyên nhất là khi quan hệ tình dục qua 3 con đường: âm đạo, hậu môn và miệng. Hầu hết mọi người không biết mình bị nhiễm HPV nên có thể vô tình truyền lại cho bạn tình. Vì vậy, nếu bạn quyết định quan hệ với ai đó, cách tốt nhất để giảm nguy cơ bị lây nhiễm là tiêm vaccine HPV, hạn chế số lượng bạn tình và dùng bao cao su.

Tôi có thể bị nhiễm nhiều loại HPV không?

Có, bạn có thể bị nhiễm nhiều loại HPV cùng lúc.

Tôi có cần lo lắng bị nhiễm HPV nếu tôi và partner luôn dùng bao cao su không?

Trong trường hợp partner bị nhiễm HPV (có hoặc không có triệu chứng), bạn vẫn có thể bị nhiễm dù dùng bao cao su. Lý do là con quễ này có thể lây truyền qua tiếp xúc da chạm da như ở vùng âm hộ. Mà vùng này thì bao cao su không thể che phủ nên nó không bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi virus HPV.

Mất bao lâu để các triệu chứng của HPV xuất hiện?

Mọi người có thể bị nhiễm HPV trong nhiều năm, hoặc thậm chí nhiều thập kỷ rồi mới xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Đây là lý do phụ nữ nên xét nghiệm Pap sàng lọc ung thư cổ tử cung thường xuyên. Nó sẽ kiểm tra xem có dấu hiệu nào bất thường trong tế bào cổ tử cung không. Càng phát hiện sớm, bạn càng điều trị thành công hơn là chờ đến khi xuất hiện các triệu chứng cụ thể như đau đớn, chảy máu.

Nếu tôi bị nhiễm HPV thì mất bao lâu mới phát triển thành ung thư cổ tử cung?

Quá trình phát triển từ nhiễm HPV cho đến khi thành ung thư đòi hỏi việc lây nhiễm phải kéo dài với một trong các loại HPV gây ung thư. Vì lý do này, ung thư cổ tử cung thường phát triển từ 20 đến 25 năm sau lần nhiễm HPV đầu tiên. Việc xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV thường xuyên sẽ giúp bác sĩ theo dõi những thay đổi thuộc về tiền ung thư đối với các tế bào ở cổ tử cung.

Tôi đã tiêm vaccine HPV, vậy tôi có thể lây truyền HPV cho partner không?

Hiện nay trên thế giới đã có vaccine loại Gardasil 9 phòng được 9 chủng virus HPV, hai phiên bản trước đó là Cervarix và Gardasil chỉ phòng được 2 hoặc 4 chủng. Trong khi hiện có đến hơn 40 chủng gây bệnh. Vì vậy, dù bạn có tiêm vacccine HPV, nếu xui xẻo tiếp xúc với một chủng HPV không nằm trong các chủng được phòng ngừa thì bạn vẫn có thể bị nhiễm và lây truyền virus cho người khác.

Tôi còn tờ-rinh thì có thể lây truyền HPV không?

Bạn không cần phải mất tờ-rinh mới lây truyền được HPV vì con quễ này có thể lây lan qua tiếp xúc da với da chứ không nhất thiết phải quan hệ tình dục qua đường âm đạo. Ví dụ để cậu bé cọ cọ bên ngoài cô bé, hoặc quan hệ bằng miệng (không dùng bao cao su) là đã có nguy cơ lây nhiễm rồi.

Vì vậy, dù bạn chưa mất tờ-rinh nhưng nếu làm những hành động tình dục trên thì vẫn có thể bị nhiễm virus HPV và lây truyền cho người khác.

Tôi nghe nói virus HPV có thể lây truyền khi tiếp xúc da với da. Thế nếu một phụ nữ bị nhiễm HPV, tôi hoặc các con tôi có thể bị lây nhiễm khi ở gần hoặc đụng chạm với cô ấy không?

Không. Virus HPV không lây truyền khi chỉ đơn giản là ở gần hay chạm vào người mắc bệnh. “Tiếp xúc da với da” ở đây ám chỉ các hành vi tình dục thân mật như húp sò, ăn chuối (mà không dùng bao cao su), để cậu bé cọ cọ bên ngoài cô bé.

Tôi đã có mối quan hệ một vợ một chồng hơn 20 năm, nhưng gần đây tôi được khám là bị bệnh sùi mào gà (do virus HPV gây ra). Vợ tôi thì chưa bao giờ bị bệnh này. Vậy tại sao tôi lại mắc bệnh?

Câu hỏi của bạn cũng là một câu hỏi rất phổ biến. Hầu như những người có hoạt động tình dục sẽ bị nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó. Đối với nhiều người, họ có thể chẳng bao giờ biết khi nào hoặc làm thế nào họ lại bị nhiễm vì một vài lý do. Đầu tiên, các triệu chứng có thể xuất hiện sau nhiều năm sau lần nhiễm trùng đầu tiên. Thứ hai, bệnh có thể lây truyền mà không cần quan hệ qua đường âm đạo. Quan hệ bằng miệng hoặc để cậu bé cọ sát bên ngoài cô bé cũng có thể truyền virus. Cuối cùng, những người không biết mình bị nhiễm vẫn có thể truyền virus cho bạn tình khi quan hệ.

Thủ dâm có thể khiến tôi bị nhiễm virus HPV không?

Virus HPV lây truyền qua các tiếp xúc thân mật giữa người bị nhiễm và người chưa bị nhiễm. Thủ dâm trong trường hợp tự mình làm cho mình, không phải thủ dâm cho đối phương thì hành động này không làm bạn bị nhiễm virus HPV.

Tôi tiêm vaccine HPV rồi thì bao lâu mới phát huy tác dụng?

Phải mất khoảng 2 tuần sau liều vaccine đầu tiên để hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng miễn dịch. Liều bổ sung sẽ khiến phản ứng đó mạnh hơn, đặc biệt là liều cuối cùng. Vì vậy, bạn nhớ đi tiêm đủ liều theo yêu cầu nhé!

Ai nên tiêm vaccine HPV?

Vaccine HPV được khuyến cáo cho thanh thiếu niên từ 9 đến 12 tuổi và người lớn từ 13 đến 26 tuổi nếu họ không được tiêm khi ở độ tuổi từ 9 – 12 tuổi. Với người trên 26 tuổi, nếu bạn có nhu cầu và chưa nhiễm HPV (xét nghiệm HPV ra kết quả âm tính) thì vẫn có thể tiêm vaccine nhưng hiệu quả sẽ không cao bằng.

Trong trường hợp này, trước khi tiêm, bạn nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung trước. Nếu đủ điều kiện thì bạn sẽ được tiêm vaccine HPV. Nhưng dù được tiêm ngừa hay không thì bạn vẫn nên khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung để nếu có bệnh thì cũng sẽ phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.

Tôi nhớ là đã tiêm vaccine HPV vào khoảng 6 năm trước nhưng không chắc lắm. Tôi nên đi tiêm lại không? Và nếu có, nhưng tôi đã được tiêm trước đó thì có có xảy ra tác dụng phụ nào không?

Bạn nên đến nơi bạn nhớ là đã tiêm vaccine HPV để hỏi họ xem liệu bạn đã tiêm chưa, và nếu có thì bạn đã tiêm loại gì và bao nhiêu liều. Nếu bạn không nhớ nơi đó và vẫn không chắc chắn thì bạn vẫn có thể đi tiêm. Liều bổ sung không gây ra tác dụng phụ hay phản ứng tiêu cực nào.

Nếu ai đó đã bị nhiễm HPV thì việc tiêm vaccine HPV có còn hữu ích không?

Còn. Vì những người nhiễm virus HPV thường sẽ không nhiễm tất cả các loại mà vaccine phòng ngừa, vì vậy vaccine có thể bảo vệ họ khỏi các loại virus HPV mà chưa từng nhiễm trước đó. Tuy nhiên, vaccine sẽ không giúp điều trị hoặc bảo vệ họ khỏi các loại virus HPV mà người đó đã bị nhiễm.

Tôi đã tiêm hai liều vaccine HPV nhưng đã bỏ lỡ liều thứ 3. Tôi có cần tiêm lại từ đầu không?

Đối với người từ 15 tuổi trở xuống, vaccine HPV hiện chỉ được tiêm 2 liều. Nếu bạn ở trong độ tuổi này thì không cần tiêm liều thứ 3. Nhưng nếu bạn từ 15 tuổi trở lên, bạn vẫn cần tiêm liều thứ 3 và nên cách liều đầu tiên từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, nếu quá khoảng thời gian trên, bạn cũng không cần phải tiêm lại từ đầu. Miễn là bạn nhớ mình đã tiêm đúng hai liều thì có thể tiêm tiếp liều thứ 3.

Tôi nghe nói đã có loại vaccine HPV mới, chống được nhiều loại virus HPV hơn. Nhưng tôi đã lỡ tiêm loại vaccine phiên bản trước. Vậy tôi có cần tiêm tiếp loại mới không?

Loại vaccine mới hiện nay là Gardasil 9 phòng được 9 loại virus HPV, hai phiên bản trước đó là Cervarix và Gardasil chỉ phòng được 2 hoặc 4 loại. CDC – Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ – không khuyến nghị tiêm vaccine Gardasil 9 nếu bạn đã tiêm vaccine Cervarix và Gardasil trước đó. Nhưng vì vaccine mới có thể phòng thêm nhiều loại virus HPV hơn, bạn vẫn có thể đi tiêm đã tăng khả năng bảo vệ. Trong trường hợp này, bạn cần nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Tôi đã quan hệ tình dục thì có nên tiêm vaccine HPV không?

Nên, lý do là dù bạn đã quan hệ thì chưa chắc bạn đã bị nhiễm hết tất cả loại virus HPV mà vaccine đang phòng ngừa. Vì vậy, tiêm vaccine HPV vẫn có lợi cho bạn.

Tôi đã tiêm vaccine HPV trước khi có quan hệ tình dục nhưng gần đây, tôi lại kết quả xét nghiệm dương tính với HPV. Tại sao lại có chuyện này?

Đó là vì vaccine HPV chỉ bảo vệ bạn từ 2 đến 9 loại virus, trong khi có đến hơn 40 loại gây bệnh cho bạn. Nên bạn vẫn có thể bị nhiễm loại virus HPV không có trong vaccine. Hầu hết hệ thống miễn dịch của bạn sẽ loại bỏ các loại virus HPV nhưng có thể sẽ mất nhiều tháng mới tống khứ bọn mất dại này đi. Tuy nhiên, ở một số người, bọn này sống dai và lâu, dẫn đến “tiến hóa” thành ung thư. Nhưng dù là vậy, bạn vẫn nên tiêm vaccine thì vaccine bảo vệ bạn khỏi những loại virus phổ biến gây ung thư hoặc mục cóc sinh dục.

Các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine HPV là gì?

Các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine HPV thông thường gồm đau nhức hoặc bị sưng tại vùng da được tiêm. Ngoài ra, một số người có thể bị ngất xỉu sau khi tiêm. Nên khi tiêm xong, bạn sẽ được yêu cầu ngồi lại phòng khám từ 15 đên 30 phút để bác sĩ theo dõi tình trạng.

Trên thế giới hiện nay cũng có những báo cáo về triệu chứng đông máu, đột quỵ, đau tim, hội chứng mệt mỏi, vô sinh và thậm chí tử vong đã xảy ra sau khi tiêm vaccine HPV. Nhưng người ta đã tổ chức nghiên cứu có đối chứng, xem xét các nhóm người đã tiêm và không tiêm vaccine và đưa ra kết quả, những triệu chứng bệnh trên đều không phải do vaccine HPV gây ra.

Nếu tôi và partner đều đã tiêm vaccine HPV thì chúng tôi có cần dùng bao cao su nữa không?

Vẫn cần dùng nhé. Vì vaccine HPV không ngăn ngừa tất cả loại virus HPV gây bệnh và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như Chlamydia, HIV…

Một vài địa chỉ tiêm vaccine HPV ở TP. Hồ Chí Minh:

  1. Bệnh viện Từ Dũ
  2. Viện Pasteur TP.HCM
  3. Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn – VNVC
  4. Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Sài Gòn
  5. Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Một vài địa chỉ tiêm vaccine HPV ở Hà Nội:

  1. Bệnh viện phụ sản Hà Nội
  2. Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn – VNVC
  3. Phòng Tiêm chủng – Đại học Y Hà Nội
  4. Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương
  5. Trung tâm Tiêm chủng 131 Lò Đúc – Hà Nội

Một vài địa chỉ tiêm vaccine HPV ở Đà Nẵng:

  1. Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng
  2. Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng
  3. Trung tâm Tiêm chủng VNVC Đà Nẵng
  4. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật

Nguồn: Questions and Answers about HPV and the Vaccine | Children’s Hospital of Philadelphia (chop.edu)

Questions about HPV Vaccine Safety | CDC

2 Comments

  1. Hỏi: bệnh sùi mào gà là do virus HPV gây ra thế cho e hỏi khi mình tiêm vaccine HPV thì đầy đủ thì mình sẽ k bị bệnh này nữa đúng không ạ?

    1. Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi nhé. Theo mình tìm hiểu thì hiện có hơn 100 chủng virus HPV, trong đó hơn 90% trường hơp mắc bệnh sùi mào gà là do hai chủng HPV 6 và 11. Vaccine hiện nay ở Việt Nam đã có thành phần ngừa chủng 6 và 11. Như vậy, dù bạn tiêm vaccine thì vẫn có thể bị dính vào 10% trường hợp mắc bệnh sùi mào gà từ các chúng khác ngoài HPV 6 và 11.
      Vì vậy, bạn đừng chủ quan dù đã tiêm vaccine HPV nhé. Cách tốt nhất để tránh mắc bệnh này là quan hệ tình dục an toàn (dùng bao cao su), quan hệ chủng thủy 1:1, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh thì nên đi khám ngay.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *